THẮNG QUANG
Chia sẻ
Ngày 25/6, phát biểu kết luận tại hội nghị “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong khu vực Bắc Bộ về kết quả đạt được thời gian qua.
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Trong 14 tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về Trung ương thì có toàn bộ các địa phương của vùng.
Khơi dậy tiềm năng trung tâm kinh tế của cả nước
Với tinh thần “nói bất cập, tồn tại nhiều hơn để thấy mình đang ở đâu, để sửa chữa”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định khu vực dịch vụ hiện đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của vùng có xu hướng giảm (từ gần 51% năm 2016 xuống còn khoảng 47% năm 2018).
Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.
Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa. Phần lớn (gần 65% số vốn) các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ.
Phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (với các dự án lớn của Samsung, LG, Microsoft, Canon…) và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp…
Về định hướng phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là một trong hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân; cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn.
“Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; làm tốt hơn dịch vụ logistics. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng 4.0. Bắc Bộ Là vùng có dân trí cao, nên cần phát huy giá trị văn hóa, con người. Chúng ta phải coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy”.
Thủ tướng cũng nhận định vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt, “vùng có phải đi đầu trong việc không có rác thải nhựa hay không?”.
“Chúng ta phải quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân”, ông chỉ đạo.
Chốt lại, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Chi phí thủ tục hành chính vùng KTTĐ Bắc Bộ cao hơn nhiều nơi
Phát biểu góp ý tại hội nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cho biết những giải pháp về môi trường đầu tư của Chính phủ đã tạo ra “làn sóng lắng nghe, hợp tác”.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.
Quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp đã có sự hỗ trợ, tương tác, hợp tác. Các địa phương cạnh tranh để thu hút đầu tư mạnh mẽ. Tuy vậy, bà nhận định từ mong muốn đến thực hiện có khoảng cách như: Về cải cách thủ tục hành chính, đến tháng 4/2019, đã cắt giảm được hơn 61% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, con số 50% trong chỉ đạo của Thủ tướng cần được hiểu không chỉ là cắt giảm số lượng thủ tục mà còn phải cắt giảm cả thời gian thực hiện thủ tục.
“Nhiều nơi chỉ cắt giảm về số lượng thủ tục, nhưng thời gian thực hiện thủ tục thì không cắt giảm, thậm chí còn tăng cao hơn. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện, thủ tục hành chính ở vùng Bắc Bộ đang khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Đơn cử như nhóm thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn 2 lần so với trung bình toàn quốc”, bà Dung khẳng định.
Theo bà, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Trong khi tỷ lệ này trung bình ở cả nước 67%, ở miền Nam là 24%, miền Trung là 61%.
Lãnh đạo FLC cho hay:”Việc doanh nghiệp phải chờ vài ba tháng, thậm chí cả năm mới có văn bản ý kiến của cơ quan Nhà nước là không hiếm. Chúng tôi thấy việc triển khai thủ tục đầu tư ở vùng Nam Trung bộ trở vào thống nhất và nhanh gọn hơn so với vùng Bắc bộ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Cần cắt giảm quy trình cải cách nội bộ trong các cơ quan Nhà nước”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỉ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong vùng.
Trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, cao hơn rất nhiều so với thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100-200 người/km2).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các giải pháp như: Cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân” của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Thủ tướng và các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng của khu vực Bắc Bộ. Ảnh: Quang Hiếu.
Bên cạnh đó là xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ôtô… trong đó ưu tiên các loại hình dịch vụ cao cấp, công nghệ thông tin, có hàm lượng tri thức, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phân tích muốn phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ cần khuyến khích sang mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế.
Ông cũng cho rằng cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường. Trong đó tập trung các hạn chế trong quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất; giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề và tại các lưu vực sông.