Tuần vừa rồi vợ tôi có dịp dựhội thảo một tuần cho công việc sở ở thành phố Clearwater thuộc tiểu bang Florida. Cũng như ba tuần trước tôi đi làm nàng đi theo chơi, lần này đến lượt tôi đi theo chơi trong khi nàng đi làm. Florida là một bán đảo – peninsula– khổng lồ ở Đông Nam nước Mỹ, mặt biển bên phải phía Đông giáp Đại Tây Dương, và mặt biển bên trái phía Tây giáp Vịnh Mexico. Thành phố Clearwater cũng là một bán đảo, dân số 108,000 người, cùng với hai thành phố St. Petersburg và Tampa nằm chung quanh Vịnh Tampa.Máy bay bay từ Los Angeles đến Tampa dừng ở Houston, chuyển tiếp đợi mất một tiếng rưỡi.Thành phố Houston với hơn hai triệu dân,phi trường lớn vĩ đại không đáng gì để nói, nhưng Tampa là thành phố chỉ có hơn 300,000 dân mà phi trường cũng tân tiến, rộng rãi và khoảng khoát. Mỗi lần dừng chân ở một thành phố nhỏ trên nước Mỹ với phi trường to lớn, tân tiến và sạch sẽ,khônglúc nào mà tôi không nhớ lại phi trường Tân Sơn Nhất rồi tự nhủ thầm không biết đến chừng nào Việt Nam nước mình mới bắt kịp xứ người.
Florida ẩm ướt, chỉ có hai khí hậu: nóng, và nóng hơn. May là bây giờ chưa phải là mùa hè, và may là xe hơi nào cũng có máy lạnh. Hơi lạnh của chiếc xe mướn thổi với tốc độ mạnh nhất làm chẳng mấy chốc cái áo ướt mồ hôi của tôi trở nên khô dần. Florida như là chiếc áo rách đầy những lỗ nước lớn nhỏ loang lỗ, đi chỗ nào cũng có nước, và do đó cầu xây khắp nơi. Từ Tampa đến Clearwater phải qua hai cái cầu mà một trong hai cái, Courtney Campbell Causeway dài thật là dài, khoảng 14 cây số. Florida có hai cây cầu nổi tiếng: Một chỉ cách Clearwater 21 cây sốvề phía Nam: cầu Sunshine Skyway, cầu -có một phần là cầu treo- dài nhất thế giới, 9 cây số;và hai là cầu Seven Mile bridge ở Florida Keys, dài 11 cây số.
Nhà cửa dọc theo đường đến Clearwater tương đối nghèo nàn, hầu hết là nhà một tầng, lụp xụp, không duy trì. Nhiều nhà thuộc dạng nhà tiền chế, trông rất sơ sài. Dấu hiệu nghèo nàn thấy rõ rệt trong những cửa tiệm thương mại: tôi thấy rất nhiều tiệm giặt quần áo bằng tiền cắc. Đậu xe vào bãi đậu xe của khách sạn Hilton sau khi biết giá cả nămđô-la một ngày,tôi đoán ngay đây không phải là nơi khách du lịch thăm viếng tấp nập đông đảo như ở Hawaii: Muốn đậu xe ở những khách sạn tọa lạc ngay trên bờ biển Waikiki ở Hawaii, khách phải trả từ 20 đến 40 đô-la một ngày.
Cát ở bãi biển Clearwater trắng và mịn như bột. Trắng đến nỗi nó làm tôi liên tưởng đến sự trái ngược bãi biển cát đen như hắc ín vì núi lửa cả nghìn năm về trước ở bãi biển phía Đông của Oahu, Hawaii. Nhìn về hai bên, phía Bắc hay phía Nam người ta chỉ thấy hai dải mầu chạy tít cuối tận chân trời: mầu trắng toát của cát và mầu xanh dương của biển, đẹp vô cùng. Bãi cát rộng khủng khiếp, hoàn toàn không có cỏ dại, cát đến tận building khách sạn. Phần lớn du khách ở đây đến từ Âu Châu hay các tiểu bang miền Bắc. Một điều rất lạ tôi thấy là có lẽ 85% người đi tắm biển là da trắng. Ít thấy người Á Đông, Mễ, hay da đen. Nước biển ở đây ấm, không lạnh run người, sóng cũng không mạnh như ở California. Bãi biển này thật là lý tưởng cho gia đình có con nít, tha hồ cho chúng nó tắm mà không sợ chết đuối vìnước không sâu, đi cả 30 thước mà nước vẫn chỉ ngang đầu gối. Nông cạn như thế thành ra phần biển gần bãi cát nước có mầu xanh dương nhạt. Nước tương đối trong vì đứng ở những chỗ nước ngang đầu gối mình vẫn có thể thấy bàn chân mất thẩm mỹ của người khác.
Clearwater là dải đất nhỏ hai bên là nước: trước mặt là nước biển vịnh Mexico, đằng sau là nước biển vịnh Tampa. Đứng ở hướng nào cũng nhìn thấy nước. Ởtrên lầu thứ tám của khách sạn Hilton nhìn về hướng đất liền, cảnh trí đẹp mê hồn. Mình vừa thấy nước biển của vịnh Tampa, vừa thấy sinh hoạt tầu bè, vừa thấy nhà cửa lốn nhốn, vừa thấy hai cây cầu, một nối liền Clearwater với Tampa, một nối liền Clearwater và St. Petersburg, vừa thấy đèn đuốc ban đêm, vừa thấy xe cộ tấp nập chạy dưới đường. Giá có một dải núi ở xa xa nơi cuối chân trời thì có lẽ ít nơi nào đẹp bằng. Florida là tiểu bang hoàn toàn chỉ có đồng bằng, núi cao nhất chỉ cao 105 thước, so với núi caonhất ở California làMt. Whitney, cao đến 4400 thước.
Ban ngày nhiệt độ tuy nóng, 90 độ F (32 độ C), nhưng luôn có gió biển nên cũng mát một phần nào. Buổi chiều nhiệt độ xuống thấp dễ chịu hơn, 70 độ F (21 độ C), nhưng gió cũng tăng tốc độ. Mặt nước trong vịnh gợn sóng nhấp nhô, tầu bè tuy đã buộc vào bờ nhưng chòng chành giao động, những hàng cây dừa gió thổi lá tạt hẳn về một bên, cửa kính phòng khách sạn của tôi hơi cũ kỹ nên tuy cửa đóng nhưng gió vẫn luồn qua khe hở rít từng hồi xào xạt. Gió thổi chỉ có 15 miles một giờ mà đã ảnh hưởng như thế (ra đường mũ sẽ bay nếu tay không giữ, cát biển tốc lên người nếu mình nằm trên bãi cát), tôi không tưởng tượng đến lúc có bão tố – hurricane– thì tai hại đến chừng nào. Florida là xứ hurricane, mỗi năm trung bình mười cơn hurricane tàn phá tiểu bang nên khắp đường phố cứ độ chừng nửa mile là có bảng cắm “đường di tản- evacuation route ” để hướng dẫn dân chúng đường đến nơi an toàn.
Dọc theo bãi biển chạy suốt về phía Nam, số khách sạn lớn khoảng mười tầng rất là ít nhưng nhà lầu to lớn loại condo bán cho dân ở và motel lụp xụp rất là nhiều. Tôi có ghé vào vài khách sạn xem cảnh trí, nhưng không khách sạn nào địa điểm tốt bằng khách sạn Hilton. Bãi cát ở Hilton rộngmênh mông nhất trong các khách sạn, có lẽ đến 90, 100 thước. Hilton cũng nằm kế bên Pier 60, nơi lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại. Mình có thể đi bộ ra tận đầu cầu pier để xem người ta câu cá, hay ngắm bãi cát từ ngoài biển nhìn vào. Tối đến khu này lại tấp nập những gian hàng buôn bán nho nhỏ và các nhạc sĩ đến hát hò, sống bằng tiền du khách trợ giúp. Hilton cũng nằmgần một cái bùng binh như bên Âu Châu, đứng trên ban công nhìn xe cộ chạy vòng vòng cũng vui mắt. Bùng binh là một kiến trúc không bao giờ thấy ở California vì từ xưa đến nay California nghĩ lầm là bùng binh làm giao thông chậm lại và dễ gây tai nạn. Ở California chỉ có ngã tư hai đường cắt nhau 180 độ. Cách đây một năm tôi đọc báo thấy nói là họ lầm, bùng binh tuy làm giao thông chậm lại nhưng xe cộ luôn luôn di chuyểnkhông bao giờ ngừng. Vì thế mà trong những khu kiến trúc nhà cửa sau này, họ bắt đầu xây bùng binh ở California.
Tôi để ra một ngày lái xe đi xem hai thành phố lân cận, Tampa và St. Petersburg. Tampa tuy lớn nhất trong ba thành phố, nhưng không có gì mấy để xem, cảnh cũng không đẹp lắm. St. Petersburg trái lại tương đối tươm tất, nhà cửa nhiều chỗ sang trọng, và có The Pier, nơi tọa lạc một building năm tầng. Tầng trên cùng là một nhà hàng với quang cảnhbao quát biển cả mênh mông. Cảnh trí ở đây tuyệt đẹp nên hôm sau tôi chở vợ tôi và ba người bạn đồng sự cùng đi dự hội thảo trở lại nhà hàng này ăn tối. Tom và Cathy có óc khôi hài nên buổi ăn tối vui nhộn và thời gian qua rất nhanh. Hôm sau Tom nói với vợ tôi là không ngờ tôi cũng diễu quá, thành ra mọi người không ai có cảm giác ái ngại tuy rằng đây là lần đầu tiên mới gặp nhau.
Họp xong bốn ngày, sáng sớm Thứ Sáu chúng tôi bay đi Houston. Vợ tôi có một cô bạn thân thời học Regina Pacis, TH. Tôi cũng có một người bạn xưa học chung từ năm lớp Sáu đến năm lớp Chín ở Hùng Vương mới tái định cư ở đây nên sẵn dịp trên đường về Los Angeles, chúng tôi ghé ngang đây vài ngày. Phi trường Houston sạch, tân thờivà thật là rộng. Tôi đã sợ Thu Hương không tìm ra chúng tôi trong đám đông người nên đã định mặc quần tắm Speedo mầu đỏ chói để Thu Hương dễ bề nhận diện, nhưng vì Thu Hương không muốn đóng tiền thế chân cho tôi tại ngoại hầu tra nhỡ tôi bị cảnh sát Houston bắt giam về tội công xúc tu sỉ khi vừa bước xuống phi trường nên tôi đành hủy bỏ ý định đó.
Địa điểm nhà Thu Hương thật thuận lợi, đi năm phút đã ra đến khu Việt Nam ở dọc theo con đường Bellaire. Buổi trưa Thu Hương cùng bạn là Bạch Hạc chở chúng tôi ra nhà hàng Kim Sơn ăn all you can eat, thức ăn tự chọn. Đất đai ở Texas quá rộng -Texas là tiểu bang đất đai rộng thứ nhì trên nước Mỹ, sau Alaska- nên hàng quán Việt Nam nào cũng to hơn ở California. Chỗ đậu xe cũng thế, khu shopping nào chỗ đậu xe cũng dư chỗ cho một trăm chiếc xe lửa. Nhà hàng Kim Sơn thật đồ sộ, có đến hai tầng. Chỉ đi rảo mắt một vòng trong nhà hàng mà tôi cứ tưởng như mình ở nhà hàng Rex ở Việt Nam: đủ mọi món thức ăn, món nào cũng thất thật là hấp dẫn, tất cả dĩ nhiên được ăn thả cửa: thịt quay, vịt quay, bánh canh, bánh bèo, bún bò Huế, cháo lòng với dầu cháo quẩy, sushi, cơm trứng thịt kho, rau xào,canh, bò bía, gỏi cuốn, cơm tấm bì, hủ tiếu, thịt xá xíu, tôm chiên…và bao nhiêu món ăn Tầu khác. Điểm tâm thì ngoài bánh ngọt và trái cây, còn có cả chè đậu trắng, chè trôi nước và nước dừa họ để sẵn trong nồi to như quán Ngon ở Việt Nam. Mẹ của Thu Hương tuy đã ngoài tám mươi nhưng khi cô bồi bàn đến hỏi ” Bác uống gì?“, chỉ nghe câu trả lời là tôi thấy bà cụ rất tân thời. Phần đông các ông bà cụ già người Việt Nam uống nước trà khi ăn cơm, riêng bà cụ thì khác: ” Cho tôi một ly Coke!” Danh tiếng của tôi ăn chè thay cơm chưa gì đã truyền sang tận Texas, bà cụ bảo tôi ” Anh Ngọc ăn chè ở đây ngon lắm“, rồi khi đi lấy thức ăn, bà cụ mang trở lại một mâm nhỏ với hai bát chè đậu trắng và chè trôi nước. Thu Hương suýt soa chè trôi nước ở đây rất là ngon, nhưng vợ tôi buộc miệng nói: ” Anh Ngọc không thích chè trôi nước lắm.” Thấy bát chè bà mang về bàn, tôi cảm kích chân tình của bà đã dành cho tôi tuy là người xa lạ mãi tận California chưa bao giờ gặp, vừa mới biết tôi thích ăn chè thì đã mang chè đến để mang cho tôi làm tôi nhưng chỉ năm phút sau bà cụ lấy bát chè đậu ăn sạch hết một cách ngon lành. Tôi kinh ngạc cất tiếng phản đối: ” Trời ơi, cháu tưởng bác thương cháu nên lấy chè cho cháu ăn mà sao bác lại âm thầmăn một mình vậy?” Bà cụ phá lên cười, nói với mọi người: ” Anh Ngọc này vui tính quá! “.
Buổi chiều hôm ấy TH mời gia đình họ hàng đến ăn tối. Vợ chồng Cẩm Vân từ California cũng nhập bọn, cùng với hai cô bạn thân của TH cũng ở gần đó: chị Mimi và Bạch Hạc. BH tôi đã gặp khi đi ăn trưa ở nhà hàng Kim Sơn.Bao nhiêu năm gặp nhiều người đấu khẩu, tôi chưa có dịp gặp đối thủ trên mình cả một trình độ cho đến tối nay. Chị Mimi là cô gái Bắc, đanh đá tôi ước gì đừng gặp mặt. BH là người Huế nhưng nói hao hao tiếng Bắc, giống như người chẳng những biết võ Thái Cực Đạo mà còn biết Thái Lâm Tự nữa. Hai cô này họp nhau lại thì sức công phá không phải chỉ gấp đôi mà là gấp ba, gấp bốn lần. Bao nhiêu chưởng tung tới tấp không ngừng trong suốt buổi ăn làm cả bàn cười rộ. Không biết có phải vì đầu óc tôi phân vân lo nghĩ vì TH dọa sẽ cho tôi ăn mì gói trong suốt thời gian tôi ở đây (tài nấu bếp của TH nổi tiếng khắp thế giới Việt Nam Cộng Hòa) hay vì tôi còn ngại chưa dám giỡn thả cửa với người vừa mới quen biết mà tôi á khẩu không thể nào trả đũa. Mỗi lần tôi mở mồm là bị phản kháng ngay lập tức. Chị Mimi nói: ” Mình chặt đẹp. Anh ấynói cái gì thì mình chặt ngay liền lập tức“.Hai cô đe dọa tới tấp ” Chưa thằng nào sợ thằng này“, ” Già mà bày đặt lớn tuổi ” làm tôi mấy lần muốn độn thổ xuống gầm bàn, đầu hàng vô điều kiện. Có ai ngờ đâu ngày hôm nay ở Houston tôi chuốc lấy đại bại, thân bại danh liệt như thế này. Nhưng cũng may buổi ăn có dài đến đâu cũng phải chấm dứt: chúng tôi đến phòng trà Canvas nghe nhạc. Thật là ngộ nghĩnh khi nghĩ đến ở Los Angeles mấy chục năm tôi không bao giờ đi nghe hát, thếnhưng mỗi lần đi đến những chỗ xa xôi như Sàigòn, Paris, hay bây giờ là Houston, tôi lại cảm thấy thích thú khi đi nghe nhạc với bạn bè. TH và BH lên hát, tiếng hát của hai cô thật là hay. Nhất là BH, giọng ngâm thơ của nàng thật truyền cảm. Không ngờ BH vừa có tài đấu láo mà còn có tài hát nữa.
Ngày hôm sau chúng tôi đi xem Houston Space Center, nơi điều khiển tất cả chuyến bay vào không gian từ Gemini, chúng tôi đến Space Shuttle bây giờ. Nhờ tài thuyết phục của Tổng Thống Lyndon Johnson từ năm 1958 (lúc bấy giờ ông ta chỉ là nghị sĩ của tiểu bang Texas), Space Center được hoàn thành tại Houston năm 1961. Xe tram chở chúng tôi đến Mission Control room, phòng điều khiển tất cả các chuyến bay vào không gian (chỉ là một phòng nhỏ trước mặt là nhiều màn ảnh khác nhau để theo dõi phi hành gia trên không gian và nhiều hàng ghế cho nhân viên ngồi), phòng có nhiều mô hình khác nhau của Space shuttle để phi hành gia thực tập, và building chứa lịch sử của hỏa tiễn Saturn mà chúng tôi ngồi trên xe đi luôn, không vào xem. So với bảo tàng viện về máy bay ở Washington DC thì Houston Space Center là một thất vọng, không có gì nhiều để xem.
Buổi chiều khi vợ tôi đi shopping với TH, tôi hẹn gặp Sơn là bạn học cũ ở Hùng Vương. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Sơn sau gần 35 năm xa cách. Xa nhau từ thời niên thiếu, bây giờ gặp lại nhau đứa nào cũng muốn xem đứa kia đã già đến chừng nào. Và cũng như những bạn khác sau khi có dịp gặp gỡ, tôi vẫn giữ chức vô địch già nhất vì mái tóc của tôi bây giờ đã gần hết tiêu, chỉ còn muối.
7 giờ 30 tối Thu Hương và vợ tôi trở lại đón tôi đến nhà Bạch Hạc ăn tối. Nhà BH lái xekhoảng chừng 25 phút từ khu Việt Nam Bellaire. Căn nhà thật đồ sộ từ bên ngoài. Nhìn bên ngoài ai cũng đoán bên trong to khủng khiếp. Bước vào trong nhà, quả thật không sai: bên trong rộng 8000 feet vuông (740 thước vuông) ! Đằng sau là một cái hồ nhân tạo khá to, nhà nào nhà nấy do đó phần sau đều nhìn ra hồ. Khi TH nói giá nhà, bụng tôi đau quặn thót vì giá nhà ở Houston rẻ bằng nửa ở California! Ấy là nhà đắt tiền giá từ nửa triệu trở lên. Còn những căn nhà mới xây ở Houston giá $200,000, ở California sẽ đắt ít nhất gấp ba lần, khoảng $600,000. Thấy vợ chồng Cẩm Vân và vợ chồng tôi “ngây ngất” trước căn nhà vĩ đại với hồ bơi lớn gấp hai lần hồ bơi của nhà tôi ở California, THvà BH bèn mở màn chiêu hồi chiêu dụ con chiên lạc lối tung cánh chim tìm về tổ ấm, khuyến dụ tôi dọn về Houston ở gần hai nàng: bán nhà ở California, mua nhà ở đây to hơn mà còn dư tiền bỏ vào nhà băng. Texas không có thuế lợi tức tiểu bang, thức ăn lại rẻ hơn California có lẽ một tám, một mười. Có một căn nhà trong khu BH đang đăng bản bán, hình như 6000 feet vuông thì phải, giá chỉ có $900,000!
Houston nhà cửa tương đối rẻ nên người Việt ở khắp mọi nơi thi đua nhau dọn về đây ở. Người Việt ở California mới lập nghiệp, hay không nhiều lợi tức chưa mua được nhà, dọn về Houston cũng nhiều. Riêng trường hợp tôi, đã mọc bao nhiêu rễ ở California nên còn phải nghĩ đến những bất lợi khác nếu dọn về Houston: thuế bất động sản đắt gấp ba lần, tiền bảo hiểm nhà đắt hơn hai lần. Houston biển xấu, không có danh lam thắng cảnh, cũng chẳng có chỗ đi giải trí nhiều như California. Nhà tôi bước chân ra là có thể đi leo núi hoặc lái xe bốn mươi phút đã ra đến biển. Khí hậu ở miền Nam California rất ôn hoà, có thể nói là một trong những nơi có khí hậu tốt nhất trên thế giới. Bao nhiêu lợi điểm California có, cộng thêm một điểm nữa khiến tôi nhất định không thể nào di cư đi Texas: không ai dại gì mang thânvào vùng đất địch. Ở cạnh chị Mimi và Bạch Hạc thì không khác gì như phi công Nhật Bản tự sát kamikaze vào chiến hạm Hoa Kỳ.
Danh lam thắng cảnh cho dù đẹp đến đâu cũng chỉ làm cho mình trầm trồ khen ngợi, nhưng nó không gây động được xúc cảm lâu dài trong lòng người. Ngược lại khi bạn bè gặp nhau, không cần thiết là ở nơi bàn ăn đấu võ mồm để cười đùa nghiêng ngửa, hay trong phòng khách thức khuya đến một hai giờ sáng nói chuyện tâm tình, hoặc ở những trung tâm shopping sắm hàng giung giăng giung giẻ, hay bên bếp núc cùng nhau sửa soạn nấu nướng những món ăn… tất cả những tình cảm mật thiết đó mới tạo nên những xúc động tồn tại mãi mãi trong lòng người. Đó là lý do tại sao đến thăm một thành phố nào mình có bạn thì luôn luôn vui hơn đến thành phố mình không có người quen biết. Vì như thế mà cho dù Houston không có gì khác đểthu hút du khách, chỉ bạn bè thôi cũng đủ là lý do duy nhất để thế nào một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Houston.
Tài Ngọc
Clearwater
Tampa
Space Center – Houston
Thu Hương – Bạch Hạc